470. NHẬN XÉT BÀI BÁO “TÌNH CẢNH MEKONG NGƯỜI VIỆT NÊN TỰ TRÁCH MÌNH”

Đôi lời:

Mời xem thêm vài (trong hàng trăm) bài viết để biết có phải chỉ người Việt kém hiểu biết, chỉ “chém gió”, “chửi bới, đổ lỗi” cho Trung Quốc hay không:

Mỹ cáo buộc Trung Quốc xây đập để kiểm soát dòng Mekong (Tuổi trẻ). – Đập Cảnh Hồng giảm xả làm cạn dòng Mekong ở VN dịp Tết (BBC). – Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc xây đập trên Mekong không để lấy điện . – 8 đập Trung Quốc có thể là nguyên nhân nước sông Mekong thấp kỷ lục (VNExpress).

Và xem thêm về một cuộc tranh luận khác:

– Đê bao Đồng bằng Sông Cửu Long – Sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử cận đại (1) (22/3/2014). – Đê bao Đồng bằng Sông Cửu Long – Sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử cận đại (2). – Đê bao Đồng bằng Sông Cửu Long – Sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử cận đại (3). – 2505. Đê bao Đồng bằng Sông Cửu Long – Sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử cận đại (4).

– Lê Phú Khải: ĐÊ BAO Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG KHÔNG SAI LẦM “VĨ ĐẠI” NHƯ TÁC GIẢ ĐẢNG XANH ĐàPHÁN! (29/3/2014).

– KS Doãn Mạnh Dũng: Từ thóat lũ ra biển Tây đến cảng cửa ngõ Trần Đề (29/3/2014).

2467. Những SAI LẦM với Dân nhưng ĐÚNG ĐẮN với Đảng (29/3/2014).

– Tô Văn Trường: Nói lại cho rõ về đê bao – bờ bao (1/4/2014).

Chuyên gia cảnh báo hạn, xâm nhập mặn đáng nguy ở ĐBSCL (17/07/2019). – Nước Mê Kông thấp kỷ lục, ĐBSCL lo mất lũ (23/07/2019). – Đồng bằng sông Cửu Long đang ‘chìm’ (03/10/2019).

Ba Sàm

Tô Văn Trường

Bài báo “Tình cảnh Mekong – Người Việt nên tự trách chính mình” của tác giả Đăng Khoa rất cần được quan tâm, thảo luận. Tác giả có công sưu tầm nhiều thông tin tư liệu về hệ thống thủy điện ở sông Hồng, sông Mekong và Tây Nguyên với nhiều nhận định, đánh giá tương đối khách quan nhưng có những điểm chưa được chuẩn xác, cần phải hiệu chỉnh.      

Nhận xét chung

Về phương diện thủy học, tác giả nhận xét đúng vì các đập thủy điện trên sông Lancang ở Trung Quốc không làm cho sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở hạ lưu khô cạn, nhưng không đúng khi cho rằng các đập thủy điện “ngăn chặn” nước chảy xuống hạ lưu.  Điểm đặc biệt là tác giả đã giải thích lý do vì sao người ta “chửi bới và đổ lỗi cho Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn xa lắc”.

Việc đổ lỗi cho Trung Quốc gây tác hại lớn ở ĐBSCL đúng ra là do tư tưởng bài Trung hơn là do các phân tích khoa học và chiến lược hợp lý của VN. Những người la lên việc này thường được nhiều người hoan nghênh ca ngợi nên dù có nói không có cơ sở cũng vẫn nói lấy được. Như năm nay cả Tây Nguyên cũng đang bị hạn trầm trọng vì mưa quá ít từ cuối năm ngoái, nhưng nhiều người vẫn gán cho hạn ở ĐBSCL trước hết là do Trung Quốc chặn nước thuỷ điện. Thậm chí có vị là văn nghệ sĩ không hiểu biết gì về bài toán thủy  văn, thuy lực và thủy điện nhưng cũng lên mạng bình loạn “chém gió” về tác hại của thủy điện Luang Prabang (đập dâng)  đến ĐBSCL .

Về chiến lược tốt hơn VN nên khuyến khích các nước thượng lưu gần Trung Quốc như Lào, Thái, Cambodia bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề hơn lên tiếng mạnh mẽ hơn, thay vì mình ở xa ít ảnh hưởng mà cứ la ầm ĩ, rồi còn chịu ơn xả nước chống hạn tuy chẳng được đáng kể khi nước từ Trung Quốc chảy về đến VN.

Nhìn chung, bài báo của tác giả Đặng Khoa gợi lại cho các đọc giả vấn đề thủy điện không riêng gì sông Hồng và sông Mekong. Các quốc gia Âu Mỹ Nhật, họ cũng làm thủy điện triệt để, đã xong lâu rồi, nhưng đã khắc phục và phát triển tiếp tục.

Nhận xét cụ thể

Về nguyên lý: Có hồ thượng lưu thì dòng chảy thay đổi: lũ giảm, bình quân kiệt tăng. Nếu ai đã đi tham quan thấy Paris có hai bờ sông Seine đẹp, Vienna có hai bờ sông Danube cũng đẹp và thơ mộng. Các thành phố ấy ở trung lưu, từng bị lũ lụt, sau khi có nhiều hồ thượng lưu, họ có điều kiện quay mặt ra sông. Còn Hà Nội ta phải quay lưng ra sông, giữa sông và phố là con đê chống lũ, đấy là tự nhiên lịch sử.  Nay thì lũ đã được khống chế thì Hà Nội có điều kiện phát triển hai bờ sông và bãi giữa thành không gian sạch đẹp. Bao giờ làm được là tùy mình. Cũng nên biết, hồ thượng lưu đã làm tăng lượng nước bình quân mùa khô cho sông Hồng , nhưng mực nước sông vẫn thấp xuống là do lòng sông đã xói sâu xuống (hiện tượng thủy động lực học sau khi phù sa dòng sông giảm mạnh), khiến cống thủy lợi khó lấy nước, nhưng giao thông thủy không phải nạo luồng lạch nữa.

Xin lưu ý: Đối với lưu vực sông Hồng, việc xây dựng các hồ chứa lớn ở thượng lưu cộng với việc khai thác cát quá mức ở hạ lưu đã làm cho đáy các con sông ở vùng Đồng bằng sông Hồng bị hạ thấp, dẫn đến việc hạ thấp mực nước trên hệ thống sông Hồng trong mùa kiệt. So với năm 2000 thì mực nước bình quân trong mùa kiệt tại Sơn Tây trên sông Hồng hiện nay đã thấp hơn xấp xỉ 3m. Với sự có mặt của các hồ chứa lớn ở thượng du thì các trận lũ nhỏ hàng năm cũng đã được các hồ chứa điều tiết cắt lũ, do đó không xảy ra lũ ở hạ du.

Tuy nhiên, tác giả Đăng Khoa phân tích trong bài báo nhận định rằng “Hà Nội gần như vĩnh viễn không bao giờ sợ vỡ đê” là chưa chính xác bởi vì việc hạ thấp mực nước chỉ xảy ra với các cấp lưu lượng nhỏ, đối với các trận lũ lớn tương đương lũ thiết kế hoặc cao hơn thì chưa được kiểm chứng. Tác giả cũng nhận định đê Yên Phụ được hạ thấp là không chính xác bởi việc cải tạo đoạn đê Yên Phụ là thay thế đê đất bằng đê bê tông, cao trình đê vẫn được giữ nguyên như ban đầu. Chỉ có các thay đổi so với trước đây là phần thân đê được làm bằng bê tông (như 1 tường chắn), có chiều dày mỏng hơn rất nhiều so với đê đất trước đây, nên có thể sử dụng phần không gian còn lại (mặt đê, mái đê) để mở rộng đường giao thông.

Tôi nói có sách, mách có chứng:

1) Đối với sông Hồng:

Trước hết có thể hiểu tác giả Đăng Khoa muốn mang hình ảnh sông Hồng với tác động của thủy điện ở thượng nguồn để so sánh với sông Mekong. Tuy nhiên, các thông tin đưa ra chủ yếu lại liên quan đến dòng chảy lũ ở sông Hồng.

Cần nói rõ là dưới tác động của các hồ chứa thì lượng nước sông Hồng hạ lưu giảm hơn về mùa lũ. Còn vào mùa kiệt, trên thực tế lưu lượng dòng chảy về hạ du dưới sự điều tiết của các hồ đều tăng so với trước đây, tuy nhiên vùng đồng bằng sông Hồng vẫn bị thiếu nước là do mực nước trên sông bị hạ thấp, nguyên nhân chính là do hạ thấp lòng dẫn. Trên thực tế cùng một cấp lưu lượng về hạ du thì mực nước hiện nay cũng giảm nhiều so với trước đây.

Hình bên trái (diễn biến dòng chảy tại Sơn Tây) cho thấy sau khi có các hồ chứa thì dòng chảy mùa kiệt về hạ du sông Hồng không hề giảm (đường màu xanh lá cây). Trong khi mùa lũ (màu đỏ) giảm mạnh. Trong khi hình bên phải (so sánh mực nước – lưu lượng tại Sơn Tây) cho thấy mặc dù lưu lượng xả về tăng nhưng mực nước vẫn giảm.

Như vậy nguyên nhân chính của việc khó khăn nguồn nước ở đồng bằng sông Hồng là do lòng dẫn bị hạ thấp, không phải do các hồ chứa.

Nếuvề địa lý, nói đầy đủ thì sông Hồng có 3 nhánh chính là sông Đà, sông Thao và sông Lô. Sông Đà hợp với sông Thao tại Trung Hà trước khi hợp với sông Lô (sông Lô hợp với sông Gâm rồi sông Chảy rồi mới về đến Việt Trì) tại Việt Trì tạo thành dòng chính sông Hồng chảy về hạ du.

Một số thông tin về dòng chảy lũ:

– Ngoài hồ Hòa Bình, còn có các hồ khác tham gia cắt lũ cho sông Hồng, bao gồm hồ Sơn La và hồ Hòa Bình trên sông Đà là 7 tỷ m3, hồ Tuyên Quang là 01 tỷ m3, hồ Thác Bà là 450 triệu m3.

Trên thực tế mực nước lũ tại Hà Nội chỉ giảm mạnh sau khi xây dựng hồ Sơn La. Phân tích đỉnh lũ lớn nhất năm thực đo và hoàn nguyên tại Hà Nội từ năm 1993-2015 (Hình dưới) cho thấy: Trước năm 2007, trong nhiều trận lũ, hồ Hòa Bình và Thác Bà đã cắt giảm đỉnh lũ năm tại Hà Nội từ 0,15-0,97 m. Khi thủy điện Tuyên Quang đi vào vận hành, hệ thống 3 hồ chứa (Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang) đã cắt giảm mực nước đỉnh lũ năm tại Hà Nội từ 1,5-2,2 m. Khi hồ Sơn La đi vào hoạt động, hệ thống 4 hồ chứa đã giúp mực nước đỉnh lũ năm tại Hà Nội cắt giảm mạnh (từ 1,1-4,2 m).

Như vậy, hiện nay hệ thống hồ chứa trên thượng nguồn đã điều tiết lũ rất tốt cho vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó thủ đô Hà Nội được bảo vệ với lũ 500 năm.

– Đối với đê Yên Phụ (thực ra chỉ có đoạn Nghi Tàm) không hạ thấp cao trình chống lũ 13,4m cho Hà Nội, mà chỉ thay thế đê đất chiếm diện tích lớn bằng đê bê tông, mục đích là mở rộng giao thông) 

– Đối với dòng chảy lũ khu vực Hà Nội: Đúng là từ khoảng 10 năm trở lại đây, sau khi có thêm hồ Tuyên Quang (trước đó đã có hồ Hòa Bình và Thác Bà) thì vùng bãi khu vực Hà Nội gần như không bị ngập. Tuy nhiên, trên thực tế, đoạn ngoài đê vẫn là hành lang thoát lũ, đê sông Hồng được thiết kế chống lũ 500 năm ở cao trình thiết kế 13,4 m. Khi xảy ra lũ thiết kế, hoặc lũ cực đoan hơn như 700 năm 1000 năm – với vùng đô thị đặc biệt quan trọng như Hà Nội thì việc tính đến các kịch bản cực đoan, lũ PMF là cần thiết – thì các vùng từ đê trở ra vẫn ngập hết và đảm bảo an toàn thoát lũ theo thiết kế. Việc xảy ra lũ lớn bất thường, bất kể do nguyên nhân tự nhiên (mưa cực đoan, tổ hợp mưa lớn diện rộng, mưa lớn khi hồ tích đầy) hay nguyên nhân con người vỡ đập, Trung Quốc xả lũ ồ ạt…) là hoàn toàn có thể xảy ra, dù rất hiếm nhưng với vùng quan trọng như Hà Nội vẫn phải tính đến. Tuy nhiên có một vấn đề cũng cần lưu ý là sẽ khó có trường hợp đê Hà Nội phải chịu đến mức nước trên 13,4m, vì khi đó có 2 khả năng/phương án xảy ra: 1) Đê dọc sông Hồng trên thượng nguồn đã vỡ rồi, hoặc 2) Luôn sẵn sàng có các phương án phân lũ ở thượng nguồn, thậm chí hy sinh những vùng không quá quan trọng nhằm giảm nguy cơ cho Hà Nội. 

2) Đối với sông Mekong:

–   Trên thực tế ngoài thủy điện Trung Quốc ở thượng nguồn thì các hoạt động khai thác dọc sông, bao gồm các đập dự kiến xây trên dòng chính thuộc Lào, Cambodia, và đặc biệt là trên các dòng nhánh sẽ góp phần nhiều hơn vào việc làm suy giảm dòng chảy về ĐBSCL. Một vấn đề quan trọng nữa là do biến đổi khí hậu, cái này nói thì chung chung nhưng thực tế là có ảnh hưởng.

– Về nguồn nước, sông Mekong tụ hợp nguồn nước của rất nhiều phụ lưu lớn như lưu vực Lancang thuộc Trung Quốc, sông Ruak thuộc Myanmar, các sông Nam Ou, Nam Ngum, Nam Theun, Se Bangfai, Se Banghiang, Nam Mun, Sedone, Sekong… thuộc Lào, TonleSap thuộc Cambodia… nên việc khai thác thủy điện trên các nhánh này đều ảnh hưởng đến nguồn nước của ĐBSCL. 

– Theo như bảng trên, nguồn nước từ Trung Quốc chỉ chiếm 16% tổng lượng dòng chảy vào Mekong. Đập thấp nhất thuộc Trung Quốc (Cảnh Hồng) được xây dựng từ năm 2003, hoàn thành 2008 với tổng dung tích 249 triệu m3  không phải là lớn, tác động về tổng lượng không phải lớn so với hàng trăm hồ đập khác trên các dòng nhánh, đặc biệt tại Lào và một phần là Việt Nam (lưu vực 3S). Tuy nhiên, nếu chỉ xét về mùa kiệt, vai trò của các hồ chứa trên Trung Quốc lại lớn, do trong khi lượng mưa mùa kiệt trên các lưu vực thuộc Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam bị suy giảm, lượng nước tại các hồ chứa không điều tiết được nhiều, thì đối với các hồ phía Trung Quốc, trong đó có Cảnh Hồng, lại có nguồn nước bổ sung từ tuyết tan, do đó có tác dụng điều tiết thêm cho dòng chính Mekong, trong trường hợp các nước có sự hợp tác và thỏa thuận tốt.

Hồ thủy điện dòng chính  sông Mekong làm tăng bình quân kiệt cho hạ lưu (thực tế không tưới trực tiếp, không tiêu hao nước). Thủy điện dòng chính Sesan và Srepok không tưới trực tiếp ở Tây Nguyên, chi có tác động xuống Campuchia nhưng sau khi VN đã xây hồ điều hòa Sesan4A và Srepok 4A, cũng không còn tác động ấy nữa. Nay Campuchia xây Sesan 2 là hồ lớn, vậy không thế nói Sesan-Srepok của VN tác động gì cho ĐBCSL. Các biến động trên lưu vực ở Tây Nguyên là do các hoạt động nông lâm nghiệp và thủy lợi tại chỗ. 

Kết luận

Lưu vực sông Hồng và sông Mekong đều có nguồn nước bắt nguồn từ Trung Quốc. ĐBSCL chịu các loại tác động của phát triển trên lưu vực Mekong bao gồm (i) Hồ chứa lớn trên dòng chính ở Trung Quốc, và hồ chứa lớn trên nhánh lớn ở Lào; (ii) Các thủy điện dòng chính của Lào, Campuchia và Thái Lan, các thủy điện này chủ yếu là đập dâng hồ chứa nhỏ so với dòng chảy; (iii) Các hồ thủy điên và thủy lợi khác trên sông nhánh cả 5 quốc gia (phần lưu vực Mekong ở Myanmar không đáng kể); (iv) Các khai thác đất và nước tại chỗ cuả chính ĐBSCL đã và đang tự gây tác động trực tiếp; (v) Biến đổi khí hậu tác động ngày một tăng. Bài báo của tác giả Đăng Khoa tuy có những điểm chưa chính xác phải hiệu đính như trên nhưng có tác dụng tốt giúp cho bạn đọc cần thấy bản chất của khai thác tài nguyên, tránh các nhận xét nhầm lẫn. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh về Trung Quốc trong vấn đề Mekong, họ không có thiện chí hợp tác vì lợi ích chung trên lưu vực, mà chỉ muốn đứng ở thế mạnh chính trị gây ảnh hưởng đến các quốc gia hạ lưu.


TÌNH CẢNH MEKONG: NGƯỜI VIỆT NÊN TỰ TRÁCH MÌNH

Đăng Khoa

Thủy điện Hòa Bình xây trên sông Đà mà sông Đà (tả ngạn) hợp với sông Lô (hữu ngạn) tại ngã ba Việt Trì rồi đổ vào dòng sông Hồng xuôi về Hà Nội.

Khi xây thủy điện Hòa Bình trên sông Đà thì lượng nước sông Hồng dưới hạ lưu thay đổi hoàn toàn.  Nước đã cạn hơn đến 1/2 và Hà Nội gần như vĩnh viễn không bao giờ sợ vỡ đê. Đê Yên Phụ ở nội thành hiện cũng được hạ thấp để mở rộng đường lưu thông cho Hà Nội.

Bây giờ nhìn con đê Yên Phụ và con đê sông Hồng đường Trần Quang Khải chạy dài xuống Minh Khai ở Hà Nội. Từ đó đi ra mép nước con sông Hồng vào mùa lũ cũng mất tận sơ sơ… nửa cây số, đủ hiểu con sông Hồng bây giờ không phải là con sông mà ngày xưa cứ mùa lũ là dân Bắc cứ như ngồi lên đống lửa.

Bây giờ tình cảnh Đồng Bằng Sông Cửu Long bị hạn nặng, chúng ta vẫn theo một motif hay tư duy cũ mèm là đổ lỗi cho Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn xa lắc. Trong khi bản chất con sông Mekong tại thượng nguồn là sông nhỏ, dòng chảy yếu và lưu lượng nước thậm chí còn thua xa những con sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Sông Mekong dài 4700km thì phần chảy trong lãnh thổ TQ hơn 2000km len lỏi giữa cao nguyên Thanh Tạng (Thanh Hải và Tây Tạng) với nguồn nước chủ yếu góp lại từ các con suối con lạch nhỏ chảy ra từ sự tan tuyết.

Gần 3000km còn lại của con sông Mekong chảy qua biên giới các nước Miến, Thái, Lào và bắt đầu vào Campuchia nằm nội thuộc hoàn toàn trong đất nước Chùa Tháp. Lúc này lượng nước sông Mekong phụ thuộc lớn vào các con sông tại Hạ Lào, Bắc Campuchia và miền Trung  Việt Nam bên dãy Tây Trường Sơn đổ vào bởi các con sông suối do rừng mưa nhiệt đới tạo nên.

Đây là nguồn nước chính tạo nên sự to lớn, vĩ đại cho con sông Mekong ở hạ lưu. Nên nhớ rằng với người Trung Quốc, con sông Lan Thương tức Mekong ở lãnh thổ TQ là con sông nhỏ và nó thậm chí không tạo ra được nền văn minh quần cư nào hai bên bờ sông nó đi qua .

Nếu tính từ ĐBSCL tới vùng Thừa Thiên, tức biên giới Hạ Lào Bắc Miên theo đường bộ QL1 là 1100km thì chiều dài dòng Mekong với đường chảy uốn lượn phải có chiều dài lên đến 1500km, tức là 1/3 chiều dài tổng dòng sông.

Sự dạy dỗ sai lệch về địa lý cộng với thành kiến muôn đời với TQ đã tạo ra rằng con sông Mekong hay ĐBSCL cạn nước là do TQ xây đập đầu nguồn. Trong khi cho đến nay các con số đều cho biết các hồ thủy điện của TQ chỉ chiếm giữ 7% tổng lưu lượng nước mà Mekong đổ ra cửa biển tại Việt Nam. Vậy 43% lưu lượng nước còn lại ở đâu nếu tính rằng sông Mekong chỉ còn 50% lượng nước so với nguyên thủy?

Việt Nam làm gì với các con sông Sekong tại Hạ Lào mà nguồn chảy nó là tại A Lưới A Shau – Huế, hay các con sông Sesan và Srepok tại Kontum, Gia Lai, Daklak, Daknong.

Chúng ta có được dạy rằng thủy điện Yali đã chặn dòng nước đổ vào Mekong và trên con sông Sesan có 9 đập thủy điện Việt Nam đã xây. Thủy điện A Lưới nước dưới hạ đập chảy vào Biển Đông hay chảy vào Mekong, chúng ta có được dạy là nó chính là đầu nguồn sông Se Kong chảy vào Mekong không?

Trên con sông Serepok lớn nhất nam Tây Nguyên thì Việt Nam đã làm bao nhiêu con đập? Đã có bao nhiêu người kiến nghị rằng thủy điện Srepok 4 và Srepok 4A đã bức tử con sông huyền thoại sử thi này?

Srepok 4 mà có cả 4A thì đủ hiểu trước đó có Srepok 1 Srepok 2 Srepok 3.

Và không mấy người Việt Nam được dạy Sesan và Srepok khi vào Campuchia đã hợp lưu lại tạo nên dòng chảy lớn nhất đổ vào Mekong với lưu lượng nước trên 13 tỷ m3 nước/năm.

Những cánh rừng mưa nhiệt đới tại Tây Nguyên nơi tạo ra lượng nước cho các con sông, Việt Nam còn giữ được bao nhiêu hay đi khắp Tây Nguyên chỉ thấy trơ trọi đồi núi, với cafe, tiêu, cao su…

Chúng ta không được dạy điều đó, ngoại trừ đóng đinh Đồng bằng Sông Cửu Long khô nước là tại bởi Trung Quốc.

Và rồi chửi bới, đổ lỗi được coi là giải pháp và lòng yêu nước?

Tác giả: Đăng Khoa


Thực trạng đê bao, bờ bao, đường sá… ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)

Bauxite Việt Nam

07/04/2014

Đào Văn Tùng(Thiện Tùng)

Sau khi đọc các bài viết của Doãn Mạnh Dũng, Đảng Xanh, Tô văn Trường, Lê Phú Khải trên trang Anh Ba Sàm nói về lũ và đê bao… ở ĐBSCL, là người được sinh ra và sống ở ĐBSCL hơn 70 năm, tôi tôn trọng việc khen chê cùa 4 tác giả vừa kể, chỉ ghi lại “trình làng” những gì tai nghe mắt thấy theo cảm nghĩ chủ quan của mình.

Thiên nhiên đãi đất cho mọi người, ưu tiên đãi phù sa cho dân ĐBSCL. Sẽ là một thiếu sót khi nói về ĐBSCL mà không đề cập đến lũ và phù sa.

Năm 1962 trở về trước, người nông dân ở ĐBSCL canh tác ruộng vườn chủ yếu dựa vào thiên nhiên, chỉ dùng phân chuồng bón vườn, còn ruộng thì dựa hẳn vào phù sa do lũ chu kỳ hàng năm mang đến, mỗi năm chỉ làm 1 vụ lúa mùa vượt nước; không có và không hề dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Nếu tôi nhớ không lầm, từ năm 1962 xuất hiện đầu tiên là giống lúa Thần Nông 8 – gọi là lúa 3 trăng (3 tháng), xuất xứ đâu từ Philippines. Cũng từ ấy mới có việc tăng vụ và dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu.Việc nầy có lẽ giáo sư nông học Võ Tòng Xuân rõ hơn ai hết.

Lũ hàng năm ở ĐBSCL bắt đầu khi trời sa mưa, nước từ thượng nguồn theo các con sông chảy một chiều về hướng biển. Cứ hết giai đoạn tràn sông đến tràn đồng, cao điểm 3 đến 4 m đối với 2 thung lũng đồng Tháp Mười và đồng tứ giác Long Xuyên. Người dân bản địa trải nghiệm: Thấy trời “mặc áo đen” ở vùng thượng nguồn là biết sắp có lũ về; Lấy mí dưới ổ chim Dòng Dọc hay ổ con Ong đóng trên cây tính mực nước lũ của năm ấy; cứ hễ mưa nhiều ở thượng nguồn thì lượng nước đổ lớn, cường suất mạnh, đất bị bào mòn nhiều, lượng phù sa theo nước cũng lớn – sai số không đáng kể.

Người dân ĐBSCL chỉ sợ lụt chớ không sợ lũ – lụt nước từ biển dâng lên gây nhiễm mặn, còn lũ nước ngọt từ trên cao đổ về đẩy độc hại theo sông ra biển, lũ càng lớn càng được nhiều phù sa và cá nước ngọt…- chỉ có lợi. Lũ về “vườn tược xanh tươi, ruộng đồng mát mẻ”, đó là câu kết truyền đời của cư dân nơi đây. Tôi đọc ở đâu đó không còn nhớ, khi xâm lược Việt Nam, nhà nông học Pháp kết luận: “Đồng bằng Bắc Bộ chết từ khi có đê Sông Hồng” không biết đúng vậy không?

Lũ ở ĐBSCL có tự bao đời, xảy ra thường niên. Không biết mắc chứng gì (có uống lộn thuốc không) khi nước nhà thống nhứt, Trung ương xem lũ ở đây như là nạn tai, lịnh cho giới chức ĐBSCL lập những khu di dân tránh lũ và làm đê bao, bờ bao để bảo vệ cây cối mùa màng, được mệnh danh là “chung sống với lũ”. Đã là lịnh thì không thể không thi hành, phóng viên viết bài thổi phồng, ghi hình đặc tả rồi tung lên hệ truyền thông đại chúng như sắp chết đến nơi không bằng.

Đã là lũ, nước từ trên cao chảy xuống thấp theo quy luật, kinh nghiệm bao đời, tốt hơn hết là vui vẻ đón tiếp nó, mở đường cho nó chảy về hạ lưu, chống lại nó là làm trái quy luật, ắt sẽ “tức nước vỡ bờ”. Đắp đê là “chống lũ” chớ không phải “chung sống” với lũ?!.

Tập quán sống thanh nhàn “gạo chợ nước sông” mà bảo vào sống chen chúc trong khu “tránh lũ” như “Khu trù mật”, “Ấp chiến lược…” ngày nào thì, dầu có nấu cơm nếp đậu xanh nhử, họ cũng chẳng thèm vào. Thế là tiêu ma khối tiền khổng lồ cho những khu “tránh lũ”!.

Thay vì cho nước lũ tràn qua xả độc, nhận phù sa, đắp đê bao cho nước lũ không vào khu vườn, sức ép của nước từ bên ngoài nén xuống mao mạch xì phèn bên trong khiến cho cây vườn nếu không bị chết cũng còi cọc, trái bị chai, bị sâu…, tiêu thụ khó.

“Tham thì thâm”, một số vùng ham làm lúa vụ ba (trái mùa) ngoài phí tổn đắp bờ bao, còn nạn xì phèn, phải dùng phân bón, thuốc trừ sâu đậm độ, cây lúa èo uột không thể cho năng suất cao, và chắc gì giữ được bờ bao do sức ép của nước từ bên ngoài quá lớn – đúng là bấp bênh, không chắc ăn chút nào, huề vốn là may!.

“Trên bộ kỵ mã, xuống sông kỵ thuyền”, ĐBSCL là miền sông nước mà cứ nằng nặc đòi kỵ mã kỵ xa, hết đắp đê đến đắp lộ làm cho ứ nước, dồn nước, nếu không vỡ bờ thì dòng chảy buộc phải đổi chiều, nước “giận dữ” tàn phá không sao kể xiết.

Nước lũ ở ĐBSCL theo chiều Bắc – Nam. Nếu thật sự “chung sống với lũ” thì ngoài không được đắp đê bao, để nước được trang trải trên diện rộng, hạn chế sự tàn phá của nó, cùng hưởng lợi phù sa và cá. Đặc biệt hơn, không được đắp lộ ngang theo chiều đông – tây chắn dòng nước lũ như đã làm gây bao thảm họa:

Bắc Đồng Tháp Mười, cư dân thưa thớt, không biết với dụng ý gì, thượng cấp cho đào kinh đắp lộ chắn ngang dòng lũ theo hướng đông-tây với tên gọi “Kinh lộ Trung ương”, cách biên giới Việt Nam-Campuchia trung bình khoảng 10 km bên phía VN. Kinh lộ nầy dài khoảng 40 km, bắt đầu từ thị trấn Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) ở hướng Tây, thẳng về hướng Đông sang tỉnh Long An (chưa rõ đích đến) – chẳng biết có phải đây là một đoạn nối dài của đường Hồ Chí Minh trên bộ hay không? Tác dụng của kinh lộ này nếu có cũng không đáng kể, chỉ thấy hàng năm lộ bị nước lũ tấn công sạt lở phải sửa chữa triền miên gây biết bao hao tốn! Hơn nữa, lượng nước buộc phải đổ về hướng Tây để ra sông Tiền, gây sạt lở 2 thị trấn Hồng Ngự, Tân Châu, chẳng những nhà cửa bị sập còn gây chết người…, gây bất an cho người dân hàng năm mỗi khi lũ về.

Tỉnh Tiền Giang đắp con lộ về phía bắc Quốc lộ 1 A, theo bờ bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp A, từ giáp tỉnh Long An đến thị tứ Thiên Hộ, dài khoảng 40 km; tỉnh Đồng Tháp đắp nối con lộ nầy xuyên qua huyện Tháp Mười (Mỹ An) gắn với lộ 30 có chiều dài khảng 20 km nữa. Vậy là con lộ có chiều dài tổng cộng khoảng 60 km này chắn ngang dòng lũ từ Đồng Tháp Mười đổ xuống. Do không làm đủ 18 cây cầu cầu tương ứng với số cầu trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận Tiền Giang, khi lũ tràn đồng bị lộ nầy chặn lại, ngoài tổn phí sửa chữa sạt lở lộ, lượng nước buộc phải một mặt đổ về hướng Đông ra sông Vàm Cỏ khiến cho tỉnh Long An than trời trách đất, mặt khác đổ về hướng Tây ra sông Tiền, do cường độ của nước quá mạnh, gây sạt lở khủng thị xã Sa Đéc thuộc bờ tây sông Tiền.

Một con lộ khác cũng chắn ngang dòng chảy có chiều dài khoảng 20 km (không rõ tên), bắt đầu từ lộ 28 (Tây sông Tiền) thẳng đến sông Hậu, gắn với bắc An Hòa, đáp bến nội ô Thành phố Long Xuyên. Khi lũ tràn đồng, bị lộ nầy chặn, nước không đổ về hướng Đông ra sông Tiền được vì bị lộ 28 cản, buộc cả lượng nước phải đổ về hướng Tây ra sông Hậu, cường độ nước quá mạnh gây sạt lở khủng bờ Tây bắc Vàm Cống gần đó, tổn phí tu sửa lộ hàng năm cũng không nhỏ.

Những con kinh thoát nước từ đồng tứ giác Long Xuyên ra biển Tây do thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trương, theo tôi nó rất có lợi trong thau chua, xả lũ cho cả vùng Tây sông Hậu.

Về lý luận, “Cách mạng là thay cũ đổi mới, cái mới phải tiến bộ hơn cái cũ” – làm mà kết quả chỉ bằng hoặc kém hơn cái cũ là phản cách mạng? ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây, vựa cá cho cả nước, làm thủy lợi nơi đây phải xem là làm cuộc cách mạng lớn, phải được cân nhắc kỹ, không cho phép quyết liệt theo cảm hứng, biến thủy lợi thành thủy hại như đã và đang làm là phản cách mạng.

Nói trái với chủ trương thường bị qui tội này khác, khiến người ta giả bộ bằng mặt chớ không đâu đã bằng lòng, lén“xé rào” để tìm đường sống riết trở thành thói quen, thành thực trạng xã hội.

Việc đắp đê, đắp lộ như đã làm ở ĐBSCL gây dồn nước, ứ nước, tức nước… gây hại nhiều hơn lợi. Việc làm ấy phải xem là “chống lũ” chứ không phải “chung sống với lũ” – rất phản khoa học. Theo tôi, lãnh đạo Trung ương, địa phương cùng với ngành chủ quan nên mở hội nghị chuyên đề bàn tính kỹ hơn về việc này, đồng thời trao đổi với các nước bạn ở thượng nguồn nhầm bảo vệ nguồn nước lũ cho ĐBSCL.

Một câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo VN: “Việc gì sẽ xảy ra nếu ĐBSCL không còn nguồn nước lũ?”.

Dân miền sông nước Cửu Long, lớn nhỏ bơi như rái, lặn như cồng cộc, xuồng ghe luôn có sẵn bên mình. Mùa hạn hết nước lũ, nước mặn xâm nhập sâu, con người, cây cỏ cằn cỗi, còi cọc như chết chưa chôn; mùa mưa khi nước lũ tràn về, con người, cây cỏ như được hồi sinh, họ vui mừng như trẩy hội.

Lũ ở ĐBSCL chỉ có lợi, còn việc nó gây chết người một năm không bằng một giờ của giao thông đường bộ thì có chi mà hốt hoảng như thế?!.

2/4/2014

Đ.V.T.

Tác giả gửi BVN

5 comments

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.