3722. Chỉ chủ nghĩa hiện thực tấn công mới có thể kiềm chế được Trung Quốc

Các lệnh hành pháp của chính quyền Biden về việc kiềm chế Trung Quốc phần lớn là không phù hợp, vì chúng bị mắc kẹt trong tư duy chủ nghĩa quốc tế tự do (1), thứ không còn phù hợp với thực tế của trật tự thế giới hiện thực của chúng ta.

THE NATIONAL INTEREST by Ionut Popescu – December 7, 2022 

(Tiến sĩ Ionut Popescu là Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Bang Texas và là cựu sĩ quan tình báo trong Lực lượng Dự bị Hải quân Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản No Peer Rivals: American Grand Strategy for the Era of Great Power Competition).

Ba Sàm lược dịch

Một trong số rất ít lĩnh vực đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ngày nay, đó là sự nhất trí về việc cần thiết phải kiềm chế tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc đối với quyền bá chủ khu vực và có khả năng bá chủ toàn cầu. Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mới được công bố của chính quyền Biden mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả ý đồ định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó”. Phán quyết này lặp lại NSS của chính quyền Trump. Cả hai vị tổng thống đã áp dụng chính xác góc nhìn lý thuyết hiện thực tấn công để chẩn đoán động lực của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa Washington và Bắc Kinh.

Như những người theo chủ nghĩa hiện thực tấn công (2) đã lập luận từ lâu, các cường quốc sống trong một thế giới bi thảm bị chi phối bởi cuộc đấu tranh liên tục giành quyền bá chủ khu vực và cuối cùng là toàn cầu. Hoạt động xây dựng quân sự gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như cuộc xâm lược Ukraine của Nga, chỉ khẳng định quan điểm đã được kính ngưỡng, lâu đời này về chính trị thế giới. Tuy nhiên, các lệnh hành pháp của chính quyền Biden về việc kiềm chế Trung Quốc phần lớn là không phù hợp vì chúng bị mắc kẹt trong tư duy chủ nghĩa quốc tế tự do, thứ không còn phù hợp với thực tế của trật tự thế giới hiện thực của chúng ta. Như đã được nói rõ trong cuộc gặp gần đây với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Joe Biden vẫn nuôi hy vọng rằng hai siêu cường có thể hợp tác để giải quyết “các vấn đề toàn cầu chung” và cạnh tranh một cách có trật tự trong các lĩnh vực khác, thay vì rơi vào trạng thái xung đột địa chính trị gay gắt mang tính truyền thống.

Cam kết hùng hồn nhằm kiềm chế Trung Quốc của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở Washington là vô giá trị, thậm chí phản tác dụng, trừ khi nó đi kèm với một đại chiến lược hiện thực mang tính tấn công bao trùm, định hình các chiến lược và chính sách trên các tuyến quân sự, kinh tế, ngoại giao, năng lượng và công nghệ. Một đại chiến lược hiện thực như vậy để chống lại nỗ lực bá quyền của Trung Quốc nên dựa trên 6 nguyên tắc sau.

Không có đối thủ ngang hàng

Câu hỏi cơ bản mà bất kỳ khuôn khổ lý thuyết đại chiến lược nào cũng phải đặt ra là: đâu là mối đe dọa chính đối với an ninh và thịnh vượng của một quốc gia? Trong trường hợp của Hoa Kỳ, câu trả lời được cung cấp bởi mô hình chủ nghĩa hiện thực tấn công là đơn giản. Mối đe dọa cốt lõi đối với lợi ích của Hoa Kỳ là sự trỗi dậy của một cường quốc khác để trở thành bá chủ khu vực, một vị trí đáng thèm muốn mà chỉ có Hoa Kỳ được hưởng. Như John Mearsheimer, học giả theo chủ nghĩa hiện thực tấn công có ảnh hưởng nhất, đã lập luận trong cuốn sách kinh điển của mình, The Tragedy of Great Power Politics (Bi kịch của các nền chính trị cường quốc), các cường quốc đang trỗi dậy “hầu như luôn có những chủ tâm xét lại, và họ sẽ sử dụng vũ lực để thay đổi cán cân quyền lực nếu họ nghĩ rằng điều đó có thể thực hiện được với một cái giá hợp lý.” Và trong khi các mối đe dọa ngắn hạn khác, chẳng hạn như khủng bố quốc tế hoặc phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng đáng được xem xét, thì những lo ngại về cân bằng quyền lực vẫn được ưu tiên bởi vì, về lâu dài, “các cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất đến những gì xảy ra trên trường chính trị quốc tế.”

Hoa Kỳ không phải là một bá chủ toàn cầu, nhưng nó là một cường quốc vô song; không một quốc gia nào khác có thể tuyên bố sự thống trị đối với khu vực của mình như Washington đã làm. Đây không phải là một biện pháp nhỏ vì Hoa Kỳ đã tham gia vào các nỗ lực ngăn chặn quyền bá chủ khu vực của Đức Quốc xã, Đế quốc Nhật Bản và Liên Xô. Ngày nay, cường quốc duy nhất khác có sức mạnh kinh tế và quân sự đang nỗ lực giành quyền bá chủ khu vực là Trung Quốc. Do đó, ưu tiên chiến lược lớn số một của Hoa Kỳ là đảm bảo nước này tiếp tục không có đối thủ ngang hàng, bằng cách ngăn không cho Trung Quốc giành được ưu thế kinh tế và quân sự đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đồng thời, Hoa Kỳ cần củng cố quyền bá chủ khu vực của mình ở Tây Bán cầu, bằng cách tái tập trung vào các vấn đề an ninh, chính trị và kinh tế của khu vực lân cận, cũng như chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc và Nga trong khu vực.

Địa chính trị và địa kinh tế quan trọng hơn hệ tư tưởng

Một chiến lược hiện thực tấn công giả định rằng các cường quốc cố gắng giành quyền bá chủ và hành động hung hăng khi điều đó phù hợp với lợi ích của họ, bất kể hệ tư tưởng và chính trị trong nước của họ như thế nào. Trong thế giới ngày nay, tham vọng xét lại của Trung Quốc (3) và Nga (4) chủ yếu không phải do các nhà lãnh đạo độc tài của những nước này thúc đẩy, mà là do các mệnh lệnh mang tính hệ thống sẽ đẩy chúng theo hướng hiếu chiến ngay cả khi chúng được cai trị bởi các nhà lãnh đạo dân chủ hơn. Cần xem trọng việc cân bằng quyền lực, hơn là các giá trị dân chủ hoặc tương thích ý thức hệ, để từ đó thúc đẩy các nỗ lực xây dựng liên minh chống Trung Quốc của Mỹ nhằm ngăn chặn tham vọng bá chủ khu vực của Bắc Kinh. Các đồng minh không phải phương Tây dân chủ và kém hoàn hảo như Ấn Độ, Việt Nam và Philippines sẽ cần phải là một phần của mạng lưới đối tác của Hoa Kỳ, và Washington nên sẵn sàng chấp nhận rằng các đồng minh dân chủ như Đức có động cơ kinh tế và thực tế của riêng họ sẽ không tham gia với Hoa Kỳ trong các chính sách chống Bắc Kinh.

Nhìn chung, Hoa Kỳ nên hạ thấp đáng kể vai trò thúc đẩy dân chủ trong chính sách đối ngoại của mình. Bất chấp những gì mà những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do hay bảo thủ tin tưởng, trong thời đại cạnh tranh giữa các cường quốc, những nỗ lực như vậy nhằm phân chia thế giới thành phe “dân chủ” và phe “độc tài”, không chỉ vô ích về mặt hiểu biết về hành động và lòng trung thành của các cường quốc khác. Chúng cũng còn phản tác dụng, vì chúng khiến nhiều quốc gia theo chủ nghĩa truyền thống nhưng có tầm quan trọng chiến lược thấy không cần thiết phải chia sẻ quan điểm gần đây nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền.

Ưu thế quân sự vượt trội hơn tất cả những thứ khác của Trung Quốc

Để Washington ngăn chặn được các đối thủ cường quốc của mình đạt được quyền bá chủ khu vực và do đó trở thành đối thủ ngang hàng, Lầu Năm Góc cần phải có khả năng răn đe đáng tin cậy đối với họ trong việc thực hiện các hoạt động quân sự hung hăng. Hàm ý cơ bản nhất của mô hình chiến lược lớn theo chủ nghĩa hiện thực tấn công, đối với các nỗ lực lập kế hoạch của Bộ Quốc phòng, là ưu tiên chuẩn bị cho cuộc xung đột thông thường, ở tầm cao chống lại một cường quốc khác. Nếu Hoa Kỳ không cho phép tham vọng bá chủ khu vực của Trung Quốc, thì Hoa Kỳ cần phải có khả năng răn đe và nếu sự răn đe đó không thành công, thì hãy đánh bại Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) trong một cuộc xung đột quân sự ở Đông Á. Đó phải là ưu tiên số một đối với các nhà hoạch định quốc phòng của Lầu Năm Góc, đặc biệt khi những hạn chế về quân sự của Nga đã lộ rõ trong cuộc xâm lược bất thành vào Ukraine. Việc Moscow không có khả năng theo đuổi quyền bá chủ đối với Đông Âu sẽ khiến Mỹ càng dễ dàng chuyển giao cho các thành viên NATO khác việc đảm bảo an ninh châu Âu, để tập trung vào ưu tiên chính, là với PLA của Trung Quốc.

Giành chiến thắng trong cuộc chiến công nghệ và thực hiện việc tách rời về kinh tế với Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc chiến hầu như về công nghệ. Tập Cận Bình nhận thức rõ về những rủi ro liên quan, ông nói: “Đổi mới công nghệ đã trở thành chiến trường chính của sân chơi toàn cầu và sự cạnh tranh để giành quyền thống trị công nghệ sẽ trở nên khốc liệt chưa từng thấy”. Chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng doanh nghiệp sẽ cần suy nghĩ nhiều hơn về chính sách thương mại và đổi mới công nghệ, từ góc độ chiến lược cạnh tranh thực tế, giống như Trung Quốc, và nghĩ ít hơn từ một cách tiếp cận hiệu quả trong thị trường tự do. Có một số cách để Washington “tách rời” nền kinh tế của mình khỏi Bắc Kinh theo cách giảm thiểu chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đầu tiên, Hoa Kỳ nên nỗ lực gấp đôi để tăng cường sản xuất trong nước các công nghệ quan trọng chiến lược như vi mạch, chất bán dẫn và các thành phần công dụng kép khác. Thứ hai, khi việc sản xuất tại Hoa Kỳ không khả thi, Washington cần phải mô phỏng lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo mô hình “bạn bè cùng hỗ trợ” [chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, nhằm vừa tận dụng lợi ích của toàn cầu hóa, vừa hạn chế các rủi ro gián đoạn sản xuất vì đặt ở các nước không thân thiện]. Để loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng, Hoa Kỳ nên gây sức ép mạnh mẽ với các doanh nghiệp toàn cầu tham gia vào các ngành công nghiệp chiến lược để chuyển sản xuất sang các quốc gia có chi phí thấp khác, giống như ngành may mặc đã làm trước đây vì những lo ngại về nhân quyền.

Thiết lập sự thống trị về năng lượng của Hoa Kỳ

Năng lượng là một lĩnh vực quan trọng khác của cạnh tranh địa kinh tế trong kỷ nguyên độ sức giữa các cường quốc. Dự trữ dầu và khí đốt đã được sử dụng làm công cụ địa chính trị trong nhiều thập kỷ và cuộc chiến gần đây ở Ukraine chỉ đóng vai trò như một lời nhắc nhở về mối liên hệ phức tạp giữa an ninh năng lượng và đại chiến lược nói chung. Theo cái mà một số người gọi là “chủ nghĩa hiện thực khí hậu hậu Ukraine”, các ưu tiên trong chính sách năng lượng của Hoa Kỳ nên chuyển khỏi mối quan tâm của chủ nghĩa quốc tế tự do về Thỏa thuận Xanh Mới và hướng tới mục tiêu hiện thực truyền thống, hơn là đảm bảo các nguồn năng lượng cho tiêu dùng trong nước—và sử dụng những nguồn năng lực đó để thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị. Một chiến lược năng lượng theo chủ nghĩa hiện thực sẽ tập trung vào việc tối đa hóa tất cả các nguồn năng lượng, đặc biệt là các nguồn chiến lược như dầu khí, đồng thời hạ thấp việc theo đuổi các ưu tiên tự do cấp tiến trong nước như chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu. Trong khi Hoa Kỳ và các nước châu Âu có thể say mê theo đuổi các mục tiêu phi chiến lược như giảm lượng khí thải carbon trong kỷ nguyên đơn cực với chi phí địa chính trị tương đối thấp, thì sự phân tâm như vậy sẽ tàn phá lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trong thời đại cạnh tranh giữa các cường quốc ngày nay với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia tiếp tục theo đuổi chính sách năng lượng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Các liên minh thực dụng và một trật tự mang tính thể chế toàn cầu theo chủ nghĩa hiện thực

Việc thích ứng với kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc có ý nghĩa sâu sắc đối với chính sách ngoại giao của Mỹ, đối với các liên minh và đối tác cũ và mới của Washington, và quan trọng nhất là đối với loại trật tự thế giới sẽ xuất hiện từ sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Ví dụ, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Mỹ Latinh, một ưu tiên bị bỏ quên, cần phải được nâng lên thành ưu tiên hàng đầu để củng cố vị thế bá quyền duy nhất trong khu vực của Hoa Kỳ. Đồng thời, chiến lược “xoay trục sang châu Á”, được quảng cáo quá rầm rộ, không được để các sự kiện ở Đông Âu hoặc Trung Đông làm chệch hướng. Các liên minh cũ như NATO và các quan hệ đối tác mới—như hiệp ước AUKUS với Úc và Vương quốc Anh và cuộc đối thoại của Bộ tứ với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc—cần được định hình hoặc định hình lại tương tự, để thúc đẩy mục tiêu bao trùm là kiềm chế các tham vọng toàn cầu và khu vực của Trung Quốc. Trong phạm vi mà một trật tự quốc tế xuất hiện trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc, các nguyên lý chính của trật tự hiện thực này sẽ tập trung vào sự cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, sự trỗi dậy của Nga và việc thu hẹp không gian chính sách cho hợp tác đa phương thông qua các thể chế toàn cầu. Do đó, thay vì cố gắng khôi phục trật tự thế giới tự do, như chính quyền Biden đang cố gắng, giờ là lúc định hình trật tự thế giới theo chủ nghĩa hiện thực đang nổi lên, để ngăn chặn sự trỗi dậy của một đối thủ ngang hàng chính thức với Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của Washington bây giờ là định hình (khi có thể) và thích ứng (khi cần thiết) với trật tự hiện thực mới nổi.

Đã đến lúc phải thực hiện đầy đủ một đại chiến lược hiện thực tấn công nhằm chống lại Bắc Kinh. Một cuộc chiến tranh vì Đài Loan có nhiều khả năng xảy ra trong 5 năm tới, hoặc chậm hơn là vào cuối thập kỷ này và quân đội Hoa Kỳ đang không chuẩn bị tốt cho điều đó. Như các cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc Michele Flournoy và Michael Brown gần đây đã cảnh báo, “do các khoản đầu tư đáng kể của PLA, quân đội Hoa Kỳ được cho là đã thất bại trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc trong nhiều cuộc tập trận do Lầu Năm Góc thực hiện.” Cán cân quân sự cũng có vấn đề không kém ở một điểm nóng tiềm năng khác, Biển Đông, nơi các học giả và nhà phân tích quân sự cũng cảnh báo tương tự rằng PLA hiện đang có lợi thế trước các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực. Và tin tức không tốt hơn cho Washington trong các lĩnh vực cạnh tranh bên ngoài lĩnh vực quân sự; theo các chuyên gia công nghệ nổi tiếng, cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc cũng có nguy cơ thất bại.

Kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc tạo ra một môi trường thách thức hơn cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, so với thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành bá chủ và do đó vẫn là một cường quốc toàn cầu vô song trong nhiều thập kỷ tới. Nhưng Hoa Kỳ chỉ có thể làm được như vậy nếu các nhà lãnh đạo của họ tuân theo đại chiến lược hiện thực đúng đắn.

Ghi chú:

(1) Chủ nghĩa quốc tế tự do: (Lliberal internationalism) là một học thuyết về chính sách đối ngoại cho rằng một quốc gia theo chủ nghĩa tự do nên can thiệp vào các quốc gia có chủ quyền khác để theo đuổi các mục tiêu tự do. Sự can thiệp đó bao gồm cả xâm lược quân sự và viện trợ nhân đạo. Quan điểm này trái với các học thuyết về chính sách đối ngoại như chủ nghĩa cô lập, chủ nghĩa hiện thực, hoặc chủ nghĩa không can thiệp. Các học thuyết này coi “chủ nghĩa quốc tế tự do” đặc trưng bởi chủ nghĩa can thiệp tự do. Người ủng hộ hay người theo chủ nghĩa quốc tế tự do được gọi là người quốc tế tự do.

(2) Chủ nghĩa hiện thực (quan hệ quốc tế). Phái “hiện thực tấn công” cho rằng quyền lực không có giới hạn và các quốc gia cần đạt được càng nhiều quyền lực càng tốt nhằm đảm bảo an ninh và chiếm thế áp đảo so với các quốc gia khác trong hệ thống. John Mearsheimer là đại diện nổi tiếng nhất của trường phái này. Theo Mearsheimer, quốc gia chỉ có thể đảm bảo an ninh và lợi ích một cách hiệu quả nhất nếu trở thành nước mạnh nhất trong hệ thống quốc tế hay khu vực. Ông sử dụng khái niệm “bá quyền khu vực” để diễn tả lập luận này. Theo cách nhìn trên, thì với sức mạnh đang lên, không một quốc gia nào chấp nhận làm một cường quốc nguyên trạng (status quo power) mà sẽ cố gắng thay đổi trật tự quốc tế hiện hữu để trở thành bá quyền trong khu vực. Quan điểm này khiến Mearsheimer thành một lý thuyết gia đại diện cho trường phái bi quan về sự trỗi dậy của các cường quốc, đặc biệt là với trường hợp sự trỗi dậy của Trung Quốc.

(3) Chủ nghĩa xét lại Trung Hoa: là chủ nghĩa dân tộc mang tính bành trướng trong lịch sử của Trung Quốc, và được đúc kết thông qua những hành vi xâm chiếm lãnh thổ và bành trướng trong lịch sử Trung Hoa và bắt đầu kể từ thời Nhà Tần và đã kéo dài cho đến bây giờ.  

(4) Chủ nghĩa xét lại Nga: là một chủ nghĩa dân tộc mang tính bành trướng của Nga trong lịch sử, bắt đầu từ thời kỳ Nước Nga Sa hoàng, cho tới Đế quốc Nga từ những năm 1500 cho tới 1900, và Liên Xô bằng việc kiểm soát các nước Đông Âu cũng như xâm lược Afghanistan. Các hành vi bành trướng và xâm lược của Nga bắt đầu từ các cuộc càn quét vùng Siberia từ những năm 1500 ra phía đông; các cuộc xâm lược vào Kavkaz và Trung Á cũng như các hoạt động bành trướng sang phía tây như xâm lược vùng Baltic, cũng như phân chia Ba Lan và xâm lấn vào vùng Balkan cũng như là Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Trung Quốc và Iran. …

2 comments

Đã đóng bình luận.