3731. Việt Nam cần nhiều năm nữa mới có thể giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga?

BBC

2 giờ trước

Việt Nam sẽ cần vài chục năm nữa mới có thể ‘nghiêm túc’ thực hiện được việc giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ Nga, một phân tích gia chuyên về quốc phòng từ Hoa Kỳ nhận định.

“Việt Nam đã mua một số lượng có giới hạn vũ khí từ Ấn Độ và Israel (hầu hết là tên lửa),” Richard Bitzinger, chuyên gia phân tích quốc phòng độc lập nói với BBC News Tiếng Việt hôm 10/12.

Tuy nhiên, “câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có khả năng để đa dạng hóa hay không vì Nga cung cấp vũ khí cho Việt Nam với giá được chiết khấu,” ông Bitzinger nêu vấn đề. “Đồng thời việc đa dạng hóa nhà cung ứng cũng dẫn đến những vấn đề lớn về hậu cần.”

‘Mất hàng thập kỷ nữa’

Hơn 80% số lượng vũ khí tại Việt Nam cho đến nay vẫn được nhập khẩu từ Nga.

Chuyên gia Richard Bitzinger cho rằng với mối quan hệ ngoại giao thân thiết hiện tại giữa Moscow và Hà Nội, việc Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào nguồn vũ khí Nga có thể sẽ là câu chuyện của vài thập kỷ nữa.

“Về dài hạn, mối quan hệ bang giao Nga – Việt vẫn gần gũi, Nga vẫn là đối tác tin cậy nhất của Việt Nam, và nhiều người dân Việt vẫn hiện rất ủng hộ Nga. Sẽ phải mất vài thập kỷ để Việt Nam nghiêm túc giảm sự phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Nga.”

Trong khi đó, việc giảm sự phụ thuộc này có thể sẽ mang tính chất từng bước một, theo một chuyên gia khác.

“Với số lượng lớn vũ khí quân sự được sản xuất tại Nga, Việt Nam sẽ phụ thuộc vào Nga về đạn dược, nâng cấp vũ khí và các phần phụ tùng trong nhiều năm tiếp theo,” Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 8/12.

Trong nghiên cứu công bố hồi tháng 5/2022, Tiến sĩ Storey nói rằng có ba nguyên nhân khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thích mua vũ khí Nga.

Thứ nhất, Nga có thể cung cấp nhiều loại vũ khí đa dạng, từ các máy bay chiến đấu và tàu ngầm công nghệ cao, cho đến xe quân sự và vũ khí thô sơ.

Thứ hai là Nga bán ra với mức giá rẻ hơn Hoa Kỳ. Nga cũng sẵn sàng chấp nhận phương thức thanh toán vừa bằng tiền và trao đổi hàng hóa, và thanh toán theo từng phần.

Và thứ ba, khác với Hoa Kỳ và châu Âu, Nga không cân nhắc các vấn đề nhân quyền khi bán vũ khí.

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022 tại Việt Nam diễn ra trong ba ngày, 8-10/12. Trung Quốc từ chối lời mời tham dự, theo Reuters.

Tập đoàn vũ khí hàng đầu của Nga, Rosoboronexport góp mặt với gian hàng lớn, gồm drone, xe thiết giáp, trực thăng, máy bay, vũ khí loại nhỏ.

Theo truyền thông Việt Nam, Việt Nam đem đến triển lãm nhiều loại vũ khí, khí tài như các loại súng đạn dành cho bộ binh, chống tăng, áo giáp, hệ thống thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, tác chiến trên không gian mạng, hệ thống huấn luyện mô phỏng, thiết bị bay không người lái, sản phẩm tàu…, bên cạnh các công cụ hỗ trợ, hậu cần.

Tuy nhiên, hàng ‘made in Vietnam’ dường như không được chuyên gia quân sự nước ngoài đánh giá cao.

“Thành thật mà nói tôi thật khó để nghĩ ra được bất kỳ loại vũ khí nào do Việt Nam chế tạo, ngoại trừ các vũ khí nhỏ,” ông Richard Bitzinger nói với BBC. “Việt Nam đã đóng tàu hải quân nhưng chỉ cho hải quân Việt Nam sử dụng. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ rất khó khăn trong việc sản xuất bất kỳ loại vũ khí mà bất kỳ quốc gia nào muốn hoặc cần đến.”

Thế còn Tiến sĩ Ian Storey thì đánh giá rằng, “Ngành kinh doanh vũ khí toàn cầu cực kỳ mang tính cạnh tranh,” do đó “một quốc gia đang phát triển như Việt Nam khó có thể tạo được sự tác động đáng chú ý.”

Vũ khí, khí tài từ Hoa Kỳ

Việc Hoa Kỳ có thể từng bước thay thế Nga để trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam hiện đang được giới quan sát theo dõi chặt chẽ.

Năm 2016, Washington đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội. Kể từ khi đó hai nước đã đạt những thỏa thuận quan trọng về vũ khí quốc phòng.

Truyền thông Việt Nam hôm 09/12 nói trong thời gian từ 2024 tới 2027, Hoa Kỳ sẽ chuyển giao 12 máy bay T-6 cho Việt Nam. Đây là loại phi cơ tấn công hạng nhẹ, được dùng để huấn luyện phi công của Không lực Hoa Kỳ.

Thỏa thuận mua T-6 mà hai nước đạt được hồi giữa năm 2021 được đánh giá là thỏa thuận về vũ khí nổi trội nhất của Việt Nam kể từ sau khi lệnh cấm vận vũ khí đươc dỡ bỏ.

Giới quan sát cho rằng việc Việt Nam mua các máy bay huấn luyện của Mỹ sẽ mở đường cho khả năng mua các máy bay chiến đấu trong tương lai.

Tại triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022 ở Việt Nam, hãng khổng lồ Lockheed Martin từ Mỹ đã giới thiệu dòng máy bay C-130J Super Hercules đa sứ mệnh, máy bay chiến đấu đa năng F-16 và trực thăng Sikorsky S-70 BLACK HAWK.

Reuters hôm 08/12 dẫn lời Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Marc Knapper nói “Triển lãm là một giai đoạn mới trong nỗ lực của Việt Nam nhằm toàn cầu hóa, đa dạng hóa, và hiện đại hóa, và nước Mỹ muốn là một phần [trong nỗ lực] này.”

Tuy nhiên, khả năng mua chiến đấu cơ tân tiến của Hoa Kỳ có lẽ là điều Hà Nội khó đạt được, theo Tiến sĩ Ian Storey.

Hồi tháng 5/2022, ông nói với BBC rằng dòng chiến đấu cơ tân tiến nhất như F-35 có chi phí quá cao, chưa kể Hoa Kỳ chỉ bán cho các đồng minh và đối tác thân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

“Tuy nhiên Mỹ có thể cung cấp dòng máy bay chiến đấu F-16 hoặc F-15 cho Việt Nam như với Indonesia.”

1 comments

Đã đóng bình luận.